(028) 3991.99.66 - 3991.99.88

Hỗ trợ 24/7

0 Giỏ hàng của bạn 0₫

Giỏ hàng (0)

Không có sản phẩm trong giỏ hàng.

Hướng Dẫn Nấu Sữa Thực Vật An Toàn Và Dinh Dưỡng Tại Nhà

Hướng Dẫn Nấu Sữa Thực Vật An Toàn Và Dinh Dưỡng Tại Nhà

Ngày nay, chúng ta thường chọn những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhiều hơn động vật. Một phần để tăng cường sức khỏe, cung cấp thêm nhiều chất xơ và vitamin; Phần khác là xu hướng ăn chay, hạn chế sát sinh đang ngày càng phổ biến.

Người ta cũng dần thay thế sữa bò bằng các loại sữa bắt nguồn từ thực vật và các loại hạt, như: yến mạch, gạo lứt, hạt óc chó, hạnh nhân, ... và nhiều loại thực vật giàu dinh dưỡng khác.

Chính vì thế mà Gia Chánh Cẩm Tuyết viết bài này, nhằm chia sẻ đến các bạn các công thức nấu sữa thực vật an toàn và dinh dưỡng tại nhà. Giúp chúng ta biết cách sơ chế và nấu hoàn chỉnh món sữa thực vật cho gia đình mình nhé!

Mục Lục Bài Viết

SỮA DỪA

Sữa dừa là một loại sữa thực vật được nấu từ cơm dừa già, đây là một nguồn dưỡng chất tự nhiên phong phú và có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe.

Hướng dẫn làm sữa dừa tại nhà

Nguyên liệu làm sữa dừa  

  • 2 trái dừa già. khi chọn dừa bạn phải chọn quả dừa khá nặng và khi lắc, có thể nghe thấy tiếng nước sóng sánh bên trong.
  • 4 chén nước ấm.

Cách làm sữa dừa   

  • Chặt dừa và lấy nước. Bạn có thể lấy nước để uống, nhưng nước dừa già nước thường hơi chua.
  • Nạo lấy cơm dừa, gọt vỏ nâu, rửa sạch phần cùi dừa trong nước sạch.
  • Cho dừa vào máy xay sinh tố tốc độ cao với 4 chén nước ấm. Chạy trong 3-5 phút, dần dần tăng tốc độ cho đến khi nó đạt đến thiết lập cao nhất. Khi hỗn hợp ra màu trắng sữa và đặc lại thì chúng ta hoàn tất quá trình xay.
  • Đổ phần dừa vừa xay vào túi vải để chắt lấy nước, chúng ta có thể bỏ bã.
  • Cho phần sữa dừa vừa chắt vào lọ thủy tinh, đậy nắp kín, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần, uống rất thơm và béo.

Lưu ý: Khi trữ sữa dừa trong tủ lạnh, chất béo bắt đầu tách ra khỏi sữa một chút và gây váng. Khi dùng bạn chỉ cần lắc nhẹ trước khi sử dụng là được nhé! 

SỮA BẮP

Sữa bắp là một loại sữa thực vật làm từ bắp, thường được sử dụng làm thức uống thay thế cho sữa động vật hoặc các sản phẩm sữa thực vật khác. Sữa bắp là một lựa chọn dinh dưỡng và thân thiện với môi trường cho những người muốn tránh sữa động vật hoặc có những hạn chế về dinh dưỡng.

Hướng dẫn nấu sữa bắp

Nguyên liệu nấu sữa bắp  

  • Bắp: 2-4 trái.
  • Sữa tươi: 500 ml.
  • Đường trắng: 30 - 40g, tùy theo khẩu vị gia đình bạn, nên điều chỉnh cho phù hợp.

Cách làm sữa bắp   

  • Bước 1: Bóc vỏ bắp, giữ lại phần râu. Dùng dao tách hạt bắp, rửa sạch, để ráo.
  • Bước 2: Cho phần hạt bắp vào cối xay cho nhuyễn.
  • Bước 3: Cho bắp đã xay vào nồi, thêm 500ml sữa tươi, râu bắp vào đun sôi. Khuấy đều tay theo chiều kim đồng hồ để không bị cháy. Khi sữa sôi, nêm 30-40g đường cho vừa miệng rồi tắt bếp.
  • Bước 4: lọc phần sữa bắp vừa nấu qua ray, cho vào chai dùng nóng hoặc để nguội bỏ vào ngăn mát tủ lạnh uống rất ngon.

Với việc dùng râu bắp nấu sữa bắp, sẽ cho vị ngọt thanh, thơm ngon và rất hấp dẫn các em nhỏ.

SỮA GẠO

Sữa gạo là một sản phẩm sữa thực vật được chiết xuất từ hạt gạo, thường được sử dụng như một lựa chọn thay thế cho sữa động vật hoặc các sản phẩm sữa thực vật khác. Sữa gạo bổ sung các dưỡng chất như canxi, vitamin D và vitamin B12 để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.  

Hướng dẫn làm sữa thực vật - Sữa Gạo

Nguyên liệu nấu sữa hạt gạo   

  • Gạo nếp: 15g.
  • Gạo tẻ: 15g.
  • Sữa tươi không đường: 500ml.
  • Nước nóng: 500ml.
  • Đường: tùy khẩu vị của gia đình bạn.

Cách làm sữa gạo tại nhà cho gia đình bạn   

  • Bước 1: Vo gạo cho sạch, rồi để ráo.
  • Bước 2: Rang gạo trên chảo dưới lửa nhỏ khoảng 10 phút. Cố gắng đừng để gạo bị cháy, sẽ khiến sữa bị ngả màu. Sau đó, tiếp tục rang cho đến khi thấy một số hạt gạo nở bung ra là được. Nếu muốn sữa gạo có hương cháy gần giống cà phê, thì bạn rang cho đến khi hạt gạo ngả vàng.
  • Bước 3: Trộn 500ml sữa với 500ml nước nóng. Tiếp theo là đổ hạt gạo đã rang vào hỗn hợp trên.
  • Bước 4: Để gạo trong hỗn hợp khoảng 10 phút.
  • Bước 5: Sau 10 phút ngâm hạt gạo rang, bạn bắc lên bếp đun trên lửa nhỏ khoảng 10 phút. Đến khi thấy sữa sôi riu riu thì tắt bếp.
  • Bước 6: Lọc bỏ gạo qua ray hoặc vải xô.
  • Bước 7: Nêm đường vào sữa khi còn nóng cho vừa miệng, để nguội rồi chiết vào bình hoặc lọ thủy tinh. Giữ trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần sẽ rất ngon.

Trên đây là hướng dẫn làm sữa hạt từ thực phẩm hàng ngày của chúng ta. Sữa gạo dùng để thay đổi khẩu vị sữa cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em, người được chúng ta ưu tiên về mặt dinh dưỡng lẫn sức khỏe.

SỮA ĐẬU NÀNH LÁ DỨA

Sữa đậu nành lá dứa là một loại sữa thực vật được làm từ hạt đậu nành và lá dứa, kết hợp để tạo ra một sản phẩm giàu dinh dưỡng và có hương vị độc đáo. Đậu nành là một nguồn protein thực vật phong phú, sữa đậu nành lá dứa cung cấp một lượng lớn protein cần thiết cho cơ thể, trở thành một lựa chọn tốt cho những người muốn tăng cường lượng protein trong chế độ ăn hàng ngày.

Hướng dẫn nấu sữa đậu nành lá dứa

Nguyên liệu nấu sữa đậu nành lá dứa   

  • Đậu nành đã cà vỏ: 500g.
  • Lá dứa: một nắm khoảng 5-7 lá.
  • Nước lọc.
  • Đường định lượng theo khẩu bị.
  • Muối: 1/3 muỗng cà phê.

Cách làm sữa đậu nành lá dứa  

  • Bước 1: Cho đậu nành ra mâm to, chọn bỏ hết hạt hư rồi đổ đậu vào nồi, cho nước lọc vào nhập mặt đậu khoảng 5cm.
  • Bước 2: Khuấy đều để làm sạch đậu nành, đổ nước đầu đi và tiếp tục cho nước lọc vào lần 2 ngập mặt 5cm.
  • Bước 3: Ngâm đậu qua đêm để hạt đậu nở to. Tiếp tục loại bỏ vỏ nếu còn sót lại. Chắt nước để ráo.
  • Bước 4: Lá dứa, rửa sạch, để ráo và cắt từng khúc nhỏ khoảng 5-7cm.
  • Bước 5: Bỏ hỗ hợp đậu đã ngâm nở, lá dứa cắt khúc vào máy xay sinh tố, thêm nước lọc vào khoảng 2/3 cối. Xay nhuyễn.
  • Bước 6: Sau khi xay, bạn chắt nước qua ray lọc hoặc khăn sữa đã tiệt trùng và bóp cho hết nước trong bã đậu
  • Bước 7: Rửa lại cối xay, cho phần bã đậu vào và thêm nước như bước 5. Xay và lọc lấy nước lần 2.
  • Bước 8: Đổ 2 lần sữa đã chắt từ đậu vào nồi. Đun sữa trên lửa vừa và canh đừng để sữa trào ra ngoài. Khi sữa nóng và đóng váng trên bề mặt, bạn cho 1/3 muỗng cà phê muối vào, thêm đường cho vừa khẩu vị, khuấy đều và tắt bếp.

Sữa đậu nành lá dứa để uống nóng rất thơm ngon, nhưng nếu để nguội và giữ trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần cũng ngon không kém đâu nhé các bạn.

SỮA ĐẬU XANH

Sữa đậu xanh là một loại sữa hạt được làm từ đậu xanh. Đây là một lựa chọn dinh dưỡng và thực phẩm thay thế sữa động vật phổ biến đối với những người ăn chay, người ăn kiêng hoặc những ai có dị ứng hoặc không dung nạp được lactose. Ngoài protein, sữa đậu xanh cũng cung cấp nhiều dưỡng chất khác như canxi, kali, magiê và vitamin như vitamin C và vitamin K.

Cách nấu sữa hạt đậu xanh

Nguyên liệu nấu sữa đậu xanh   

  • Đậu xanh cà còn vỏ: 400g.
  • Đường trắng: 100g.
  • Lá dứa: 2 - 3 cọng.

Cách nấu sữa hạt đậu xanh  

  • Bước 1: Đậu xanh: rửa sạch, ngâm khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm bằng nước ấm để hạt đậu mềm ra, nở bung và tróc vỏ.
  • Bước 2: Đãi bỏ vỏ, vớt ra để ráo.
  • Bước 3: Cho hạt đậu xanh vào nồi, rồi cho nước lọc vào ngập đậu khoảng 1 lóng tay.
  • Bước 4: Đun sôi nước, rồi hạ nhỏ lửa cho đậu chín mềm, các bạn nhớ vớt bọt trong nồi.
  • Bước 5: Khi đậu đã chín mềm thì cho vào máy xay và xay thật nhuyễn.
  • Bước 6: Tiếp tục cho phần đậu đã xay vào nồi, nếu thấy đậu quá đặc thì ta có thể thêm ít nước. Nhưng lưu ý đừng để lỏng quá sẽ khiến sữa hạt đậu xanh không ngon.
  • Bước 7: Lá dứa: rửa sạch, bó lại thành bó rồi cho vào nồi đậu xanh, nấu với lửa nhỏ để sữa không bị trào.
  • Bước 8: Nấu khoảng 10 phút thì nêm đường. Dựa vào khẩu vị bạn cho đường nhiều hay ít. Khoảng 2 phút sau, khi đường đã tan hết thì tắt bếp.

Uống sữa đậu xanh ấm sẽ rất ngon. Nhưng để nguội bỏ vào chai thủy tinh, để vào ngăn mát uống dần cũng không kém phần thú vị. Mách bạn thêm chút mẹo nhỏ, có thể pha sữa hạt đậu xanh với sữa tươi sẽ thơm béo hơn đấy.

Chúc bạn thành công với công thức nấu sữa từ hạt đậu xanh. Và đừng quên đánh giá cách nấu sữa đậu xanh này sau khi áp dụng nhé!

SỮA GẠO LỨT

Sữa gạo lứt là một loại sữa thực vật được làm từ gạo lứt, tức là gạo có vỏ còn nguyên cám. Đây là một sự lựa chọn dinh dưỡng và thay thế sữa động vật phổ biến, đặc biệt là cho những người muốn tránh sữa động vật, hoặc có dị ứng, hoặc không dung nạp được lactose.

Công thức nấu sữa hạt từ gạo lứt

Nguyên liệu nấu sữa gạo lứt  

  • Gạo lứt: 100g.
  • Sữa tươi không đường: 350 ml.
  • Đường phèn: 100g.
  • Nước lọc: 1 lít.

Cách nấu sữa hạt từ gạo lứt  

  • Bước 1: Gạo lứt không cần vo, chỉ nhặt sạch những tạp chất. Sau đó, đem rang trên lửa nhỏ cho thơm.
  • Bước 2: Đun 300ml nước cho sôi. Rồi cho gạo lứt vào nấu chín mềm.  
    Chú ý: nên hạ lửa nhỏ khi nấu gạo lứt.
  • Bước 3: Xay gạo lứt đã nấu chín cho thật nhuyễn.
  • Bước 4: Lọc qua rây hoặc tấm vải sạch để lấy nước chất từ gạo lứt. Bỏ xác gạo.
  • Bước 5: Chuẩn bị nồi, cho vào sữa tươi, đường phèn và 700ml nước lọc còn lại vào đun sôi. Tiếp đến cho phần nước gạo lứt đã được lọc vào đun trên lửa nhỏ thêm khoảng 5 - 10 phút, rồi tắt bếp.

Có thể dùng sữa hạt từ gạ lứt lúc nóng sẽ rất thơm. Hoặc để nguội và cất trong ngăn mát tủ lạnh, có thể sử dụng 3 - 4 ngày.

Chúc các bạn thành công với công thức nấu sữa hạt từ gạo lứt này nhé!

SỮA BÍ ĐỎ

Sữa bí đỏ là một loại sữa thực vật được làm từ bí đỏ, một loại rau củ giàu dinh dưỡng và có màu sắc đặc trưng. Bí đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin A, vitamin C, kali và mangan. Sữa bí đỏ là một nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất, giúp cung cấp năng lượng và chăm sóc sức khỏe.

Cách nấu sữa bí đỏ thơm ngon tại nhà

Nguyên liệu làm 2 lít sữa bí đỏ   

  • Bí đỏ: 1 trái nhỏ, khoảng 300 - 400g.
  • Nước lọc: 800ml.
  • Sữa tươi có đường: 800ml.
  • Sữa đặc: 1/2 lon.
  • Nước cốt dừa: 100ml.

Cách nấu sữa bí đỏ   

  • Bước 1:  Bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột, cắt miếng nhỏ, rửa sạch, để ráo rồi cho vào nồi nấu với 800ml nước lọc đến khi bí mềm.
  • Bước 2:  Cho phần bí đỏ đã nấu mềm vào máy xay sinh tố (cả phần nước), xay nhuyễn ngay khi bí còn đang nóng. Lúc này bí đỏ sẽ có mùi thơm lừng và rất hấp dẫn.
  • Bước 3:  Cho sữa đặc, cốt dừa vào sữa tươi, khuấy đều rồi cho vào cối xay tiếp khoảng 30 giây rồi tắt máy.

Nếu muốn uống nhạt hơn, bạn có thể thay sữa tươi có đường thành không đường, chứ đừng nên bỏ sữa đặc nhé, sẽ giảm vị ngon của sữa bí đỏ đi 1 phần đấy!

SỮA HẠNH NHÂN   

Sữa hạnh nhân có khả năng hạn chế cơn thèm ăn của người giảm cân, béo phì, giúp họ thực hiện kế hoạch giảm cân hiệu quả hơn. Với những người trong quá trình giảm cân, hoặc bị tiểu đường thì không nên cho đường vào sữa hạnh nhân. Tuy vị sẽ nhạt khi không có đường, nhưng vẫn dễ uống nhờ mùi vị thơm béo.

Hướng dẫn nấu sữa hạnh nhân thơm ngon tại nhà

Nguyên liệu nấu sữa hạnh nhân   

  • Hạt hạnh nhân: 100g.
  • Nước lọc 700ml.
  • Đường.
  • 1 tấm vải lọc dày, sạch.

Cách làm sữa hạnh nhân  

  • Bước 1: Nấu hạt hạnh nhân trên bếp với nước săm sắp cho sôi, rồi tắt bếp. Để như vậy ngâm từ 8 - 24 tiếng cho hạt nở đều.
  • Bước 2: Sau khi ngâm, vớt hạnh nhân và bỏ lớp vỏ nâu để lấy nhân trắng nõn.
  • Bước 3: Xay hạt hạnh nhân với 700ml nước cho nhuyễn.
  • Bước 4: Lọc lọc bỏ bã, lấy phần nước cốt hạnh nhân vừa xay.
  • Bước 5: Cho sữa hạnh nhân lên bếp đun sôi, thêm đường vừa khẩu vị rồi tắt bếp.  

Sữa hạnh nhân uống nóng rất thơm ngon nhưng để nguội và trữ trong ngăn mát cũng hấp dẫn không kém. Sữa hạnh nhân có thể uống vào trước các bữa ăn để giảm cơn thèm ăn hoặc dùng để uống giải khát cũng rất phù hợp.

SỮA YẾN MẠCH  

Yến mạch có nguồn gốc từ phương Tây, là loại ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng cao. Chứa nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là công dụng giảm cân hiệu quả. Hãy cùng Gia Chánh Cẩm Tuyết nấu sữa yến mạch sử dụng thay thế hàng ngày, bổ sung cho thực đơn các loại sữa hạt dịnh dưỡng khác nhé!

Hướng dẫn nấu sữa hạt yến mạch tại nhà

Nguyên liệu nấu sữa yến mạch  

  • Yến mạch cắt nhỏ: 200g.
  • Nước lọc: 1 lít.
  • Mật ong: 15ml.
  • Bột quế: 1 muỗng cà phê.

Cách làm sữa yến mạch  

  • Bước 1: Ngâm yến mạch trong nước khoảng 30 phút. Chắt nước, sả sạch thêm lần nữa.
  • Bước 2: Chuẩn bị cối xay sinh tố, cho yến mạch, bột quế và 1 lít nước vào xay nhuyễn. Sau đó, lọc bỏ bã yến mạch, lấy phần nước cốt.
  • Bước 3: Đun phần sữa yến mạch trên lửa nhỏ, đến khi sôi, thêm mật ong vào đảo đều rồi tắt bếp.
  • Bước 4: Để sữa yến mạch thật nguội, rồi trữ trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần trong 2-3 ngày.

Chúc các bạn thành công và chờ đón tiếp các công thức nấu sữa hạt tiếp theo từ Gia Chánh Cẩm Tuyết nhé!

SỮA ĐẬU PHỘNG

Sữa đậu phộng là một loại sữa hạt được làm từ đậu phộng, một loại hạt giàu protein và chất béo lành mạnh. Sữa đậu phộng thích hợp cho những người bị dị ứng hoặc không dung nạp được lactose hoặc gluten.

Hướng dẫn nấu sữa hạt từ đậu phộng

Nguyên liệu nấu sữa đậu phộng   

  • Đậu phộng khô: 200g.
  • Gạo: 100g.
  • Sữa tươi không đường: 600ml.
  • Nước lọc: 500ml.

Cách làm sữa đậu phộng  

  • Bước 1: Hạt đậu phộng rửa sạch, để ráo.
  • Bước 2: Chuẩn bị 1 nuồi nước sôi, cho đậu phộng vào từ 1-2 phút rồi với ra, trụng qua nước lạnh cho dễ lột vỏ, rồi đãi sạch lớp vỏ ngoài.
  • Bước 3: Vo sạch gạo đã chuẩn bị, để ráo nước.
  • Bước 4: Trộn chung gạo với đậu phộng ở ngoài. Chuẩn bị máy xay, cho 600ml sữa tươi vào máy. Tiếp đó, cho từng phần gạo và đậu phộng vào máy theo từng phần nhỏ để xay nhuyễn.
  • Bước 5: Lọc lấy sữa đậu phộng, bỏ bã bằng ray lọc hoặc khăn sữa. Hòa nước nước cốt với 500ml nước và đun sôi.  
    Lưu ý: bạn nên bật lửa lớn cho nồi sữa sôi bùng, rồi hạ lửa riu riu thêm khoảng 2-3 phút. Trong lúc này, bạn vớt hết bọt sữa để nồi sữa đậu phộng thêm hấp dẫn.
  • Bước 6: Khi sữa nguội, bạn có thể rót ra ly để thưởng thức. Có thể thêm chút đường và vài viên đá sẽ rất ngon!

Trên đây là hướng dẫn nấu sữa hạt từ đậu phộng trong bài hướng dẫn nấu sữa thực vật tại nhà. Chúc các bạn thành công và đừng quên theo dõi để biết thêm nhiều công thức làm sữa hạt nữa nhé!

SỮA ĐẬU NÀNH

Sữa đậu nành là một loại sữa hạt được làm từ đậu nành, một loại hạt giàu protein và chất béo lành mạnh. Mặc dù chứa một lượng chất béo, nhưng chúng thường là các loại chất béo không bão hòa đơn và bão hòa đa, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng.

Làm sữa hạt từ đậu nành với Gia Chánh Cẩm Tuyết

Nguyên liệu nấu sữa đậu nành  

  • Đậu nành: 200g.
  • Nước: 1 lít.

Dụng cụ làm sữa đậu nành  

  • Máy xay sinh tố.
  • Vải lọc.

Cách làm sữa hạt từ đậu nành siêu dễ   

  • Bước 1: Hạt đậu nành rửa sạch, ngâm đậu 8 tiếng hoặc để qua đêm, sáng hôm sau bạn đã có 1 nồi đậu nở to, đều.
  • Bước 2:   Xay đậu thành 2 lần với máy xay sinh tố, theo tỷ lệ 100g đậu với 400ml nước lọc, xay thật nhuyễn.
  • Bước 3: Lọc phần đậu vừa xay qua vải lọc. Bạn nên lọc nhiều lần cho hết cặn.
  • Bước 4: Cuối cùng là bạn chỉ cần đun sôi sữa đậu và thế là bạn đã có ly sữa đậu nành thơm ngon rồi đấy.

Uống sữa đậu nành vừa nấu, để ấm, pha với ít đường sẽ thật thơm ngon. Nhưng để nguội và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh uống dần cũng rất tiện lợi bạn nhé!

SỮA ĐẬU NÀNH MÈ ĐEN

Sữa đậu nành mè đen là một loại hạt được làm từ đậu nành và mè đen, những loại hạt giàu dưỡng chất và chất béo lành mạnh. Sữa đậu nành mè đen cung cấp nhiều dưỡng chất như canxi, kali, magiê, vitamin như vitamin D và E, giúp tăng cường sức khỏe xương, hệ thần kinh và làn da.

Hướng dẫn nấu sữa hạt từ đậu nành và mè đen

Nguyên liệu   

  • Đậu nành: 200g.  
  • Mè đen: 30g.
  • Lá dứa: 6 cọng.
  • Nước lọc: 1 lít.
  • Đường : tuỳ khẩu vị.

Cách nấu sữa hạt từ đậu nành mè đen   

  • Bước 1: Đậu nành rửa sạch, ngâm từ 4-5 giờ hoặc qua đêm để đậu nở mềm. Vớt ra để ráo.
  • Bước 2: Rang mè đen lên cho thơm.
  • Bước 3: Chuẩn bị máy xay sinh tố, cho hỗ hợp mè đen, đậu này và nước lọc vào xay nhuyễn.
  • Bước 4: Dùng vải lọc để lọc bã và vắt cho thật khô. Sao cho phần nước vắt ra gần bằng với lược nước cho vào xay thì các chất bột trong đậu nành và mè đen mới được tận dụng triệt để.
  • Bước 5: Cho phần sữa đậu nành và mè đen vào nối, cùng với lá dứa đã rửa sạch, nấu với lửa nhỏ. Đến khi nồi sữa sôi thì hạ lửa riu riu thêm khoảng 5-10 phút nữa rồi tắt bếp.
  • Bước 6: Nêm thêm đường cho vừa khẩu vị rồi khuấy đều cho tan.
  • Bước 7: Sữa đậu nành mè đen có thể dùng ngay khi còn ấm hoặc để nguội trữ lạnh dùng dần. Mùi sữa thơm mè, màu đen tự nhiên, không quá ngọt. Sữa được nấu trên lửa nhỏ nên không bị khét, sữa sánh mịn và rất bắt vị. Phù hợp cho tất cả các thành viên trong gia đình bạn.

Trên đây là công thức nấu sữa hạt từ đậu nành và mè đen mà Gia Chánh Cẩm Tuyết đã tìm hiểu và thực nghiệm thành công, chúc các bạn có thêm lựa chọn sữa thực vật an toàn, thơm ngon và giàu dinh dưỡng ngay tại nhà nhé!

SỮA ĐẬU ĐỎ

Sữa hạt được nấu từ đậu đỏ là nguồn protein thực vật giàu chất lượng, cung cấp một lượng lớn protein cần thiết cho cơ thể. Sữa đậu đỏ thường có một hương vị đặc biệt, ngọt ngào và nhẹ nhàng từ đậu đỏ, tạo ra một trải nghiệm uống mới mẻ và thú vị.

Cách nấu sữa hạt từ đậu đỏ giàu dinh dướng tại nhà

Nguyên liệu nấu sữa đậu đỏ  

  • Đậu đỏ: 200g.
  • Sữa tươi không đường: 500ml.
  • Đường trắng: 100g.
  • Lá dứa: vài lá.

Cách nấu sữa hạt từ đậu đỏ giàu dinh dưỡng tại nhà   

  • Bước 1: Ngâm đậu đỏ khoảng 6-8 tiếng hoặc qua đêm để đậu nở đều, sau đó loại bỏ các hạt đậu hư.
  • Bước 2: Chuẩn bị máy xay sinh tố, xay đậu với 1/2 lít nước. Lượng nước này này phải vừa đủ để sữa đạt độ sánh mịn vừa ý.
  • Bước 3: Đun sôi phần đậu đỏ với sữa tươi trên lửa vừa.
  • Bước 4: Khi sữa đậu đỏ đã sôi, ta nêm thêm đường, cho lá dứa vào tạo hương và tắt bếp sau 5 phút.

Vậy là chúng ta đã hoàn thành món sữa hạt từ đậu đỏ giàu dinh dưỡng tại nhà rồi, chúc các bạn thành công và bổ sung thêm cho mình thực đơn sữa thực vật nhé!

SỮA NGHỆ

Sữa nghệ là một loại sữa thực vật được làm từ sữa và bột nghệ - một loại gia vị và thảo dược phổ biến trong ẩm thực và y học cổ truyền ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghệ chứa curcumin, một hợp chất có tính chất chống vi khuẩn và chống vi rút. Việc thêm nghệ vào sữa có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sữa nghệ có thể không phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa hoặc dị ứng với một trong các thành phần trong nghệ.

Cách làm sữa nghệ tốt cho tiêu hóa tại nhà

Nguyên liệu nấu sữa nghệ   

  • Sữa tươi: 225ml.
  • Nghệ tươi (hoặc bột nghệ): 5g.
  • Bột quế: 3g.
  • Bột tiêu đen: 2,5g.
  • Bột thảo quả: 2,5g.
  • Bột thì là: 2,5g.
  • Mật ong: 5ml.

Cách làm sữa nghệ tốt cho tiêu hóa tại nhà  

  • Bước 1: Cho 225ml sữa tươi vào nồi đun đến khi sữa sôi lăn tăn, rồi hạ lửa nhỏ.
  • Bước 2: Bào sạch vỏ củ nghệ rồi đem rửa sạch, để ráo.
  • Bước 3: Cho nghệ tươi vào nồi sữa, nếu không có nghệ tươi có thể dùng bột nghệ ở bước này.
  • Bước 4: Tiếp đến, cho các loại: bột quế, bột tiêu đen, bột thì là và bột thảo quả vào nồi. Khuấy nguyên liệu cho đều.
  • Bước 5: Bước này chúng ta cho mật ong vào nhé.
  • Bước 6: Khuấy đều hết gia vị cho tan, rồi đun sôi thêm 5 phút nữa. Sau đó tắt bếp.
  • Bước 7: Cuối cùng, ta lọc hỗn hợp sữa nghệ qua rây để thức uống của chúng ta được mịn và không lợn cợn. 

Trong củ nghệ tươi có chứa chất chống viêm nhiễm và tính sát trùng cao nên món sữa nghệ này sẽ giúp bạn trị ho và cam lạnh rất hiệu quả. Ngoài ra thì món đồ uống này còn có hương vị rất ngon và màu sắc bắt mắt. Uống trong lúc sữa nghệ còn ấm hoặc để ngăn mát đều rất ngon.

SỮA ĐẬU XANH LÁ DỨA

Sữa đậu xanh lá dứa là một loại sữa thực vật được làm từ đậu xanh và lá dứa, tạo ra một hương vị độc đáo và thơm ngon. Đậu xanh là một loại hạt giàu protein và chất xơ, trong khi lá dứa được biết đến với khả năng làm dịu và làm mát cơ thể.

SỮA ĐẬU XANH LÁ DỨA

Nguyên liệu làm sữa đậu xanh lá dứa  

  • Đậu xanh cà vỏ: 300g.
  • Đường cát trắng: 1/4 chén nhỏ.
  • Muối: 1/2 muỗng cà phê.
  • Lá dứa: 1 bó.
  • Sữa tươi và đá lạnh.
  • Bột nước cốt dừa: 1/2 gói nhỏ.

Cách làm sữa hạt từ đậu xanh và lá dứa  

  • Bước 1: Đậu xanh đãi sạch, bỏ hạt hỏng, ngâm với nước sạch thêm chút muối từ 4-6 tiếng hoặc để qua đêm. Sau đó, rửa lại thật sạch thêm lần  nữa, chắt nước để ráo.
  • Bước 2: Rửa sạch lá dứa rồi bó tròn.
  • Bước 3: Cho đậu xanh vào nồi, đong nước lạnh vào sao cho nước ngập đậu khoảng 1 đốt ngón tay. Đun sôi rồi hạ nhỏ lửa cho đến khi đậu chín mềm. Trong lúc đun, các bạn hãy vớt bỏ bọt trong nồi đậu xanh.
  • Bước 4: Chuẩn bị máy xay, cho phần đậu vừa hầm nhừ vào, thêm đường và xay thật mịn. Nếu thấy phần sữa đậu xanh quá đặc, có thể thêm nước vào xay cùng để có được độ loãng vừa ý.
  • Bước 5: Cho phần đậu xanh vừa xanh vào nồi, thêm bó lá dứa vào, vừa đun vừa khuấy đều. Thêm bột nước cốt dừa để vị sữa đậu xanh thêm thơm béo.
  • Bước 6: Đun nồi sữa từ 10-15 phút, nếm độ ngọt vừa phải. Sau đó, tắt bếp, vớt bỏ lá dứa, để nguội rồi cho vào bình thủy tinh, cất vào ngăn mát dùng dần.
  • Bước 7: Khi thưởng thức, rót sữa đậu xanh ra ly, cho thêm vài viên đá lạnh và ít sữa tươi, khuấy đều lên là có thể sử dụng.

Trên đây là hướng dẫn nấu sữa hạt từ đậu xanh và lá dứa rất thơm ngon và dễ làm.

Chúc các bạn thành công và hãy đón chờ những công thức sữa làm từ thực vật tiếp theo nhé!

SỮA HẠT ĐIỀU     

Sữa hạt điều cung cấp nhiều khoáng chất như magiê, kali, phốt pho, mangan và kẽm, cùng với các vitamin như vitamin E, vitamin K và các vitamin nhóm B. Hạt điều có hàm lượng chất béo thấp, rất tốt cho tim mạch, cải thiện da và tóc, giúp xương chắc khỏe. Bổ sung thêm sữa hạt điều vào danh sách sữa thực vật cho gia đình bạn ngay nhé!

Hướng dẫn làm sữa hạt điều dễ dàng tại nhà

Nguyên liệu làm sữa hạt điều  

  • Nước lọc: 710 ml.
  • Hạt điều: 70g.

Cách làm sữa hạt điều dễ dàng tại nhà   

  • Bước 1: Hạt điều tách vỏ, ngâm 4-6 tiếng.
  • Bước 2: Cho 710 ml nước và phần hạt điều đã ngâm vào cối xay sinh tố. Xay hỗn hợp đến khi không còn nghe tiếng hạt điều nữa thì dừng (khoảng 1 - 2 phút).
  • Bước 3: Rót sữa ra bình thủy tinh và bảo quản trong tủ lạnh từ 1 - 2 ngày. Nếu bạn thấy hạt điều lắng xuống đáy bình thì nhớ xay lại chút rồi dùng.
  • Bước 4: Thưởng thức ly sữa hạt điều thơm ngon, mát lạnh trong những ngày oi bức này thật là sảng khoái.

Sữa hạt điều ngon hơn nếu thêm 1 ít mật ong hoặc vani vào dùng chung.

SỮA BÍ ĐỎ ĐẬU NÀNH

Sữa bí đỏ đậu nành là một loại sữa thực vật được làm từ bí đỏ và đậu nành, tạo ra một sự kết hợp độc đáo giữa hai nguồn dinh dưỡng giàu chất xơ và protein. Bí đỏ chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta-carotene, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương của tế bào do gốc tự do và làm chậm quá trình lão hóa.

SỮA BÍ ĐỎ ĐẬU NÀNH

Nguyên liệu làm sữa bí đỏ đậu nành  

  • Đậu nành: 50g.
  • Bí đỏ: 150g.

Cách làm sữa bí đỏ đậu nành thật dễ dàng tại nhà   

  • Bước 1: Đậu nành ngâm nước khoảng 1-2 tiếng để đậu mềm.
  • Bước 2: Bí đỏ gọt vỏ, cắt khúc, hấp sơ qua cho bí hơi mềm.
  • Bước 3: Cho bí đỏ và đậu nành vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn.
  • Bước 4: Lọc phần đậu và bí vừa xay qua rây, bỏi bã để lấy phần nước cốt.
  • Bước 5: Nấu phần nước cốt trên bếp với lửa nhỏ đến khi sôi, để thêm 10 phút nữa rồi tắt bếp là có thể sử dụng.

Sữa bí đỏ đậu nành có vị thơm béo, không quá ngọt. Uống khi sữa khi còn ấm rất tốt cho cơ thể. Nếu thích có vị ngọt hơn, bạn có thể để nguội, trữ trong ngăn mát. Khi dùng, thêm vào ít đường trắng và vài viên đá là chúng ta đã có ly sữa bí đỏ đậu nành ngon lành, mát lạnh trong những ngày hè oi bức.

Chúc các bạn thành công và đừng quên xem thêm nhiều hướng dẫn làm món ngon tại https://giachanhcamtuyet.com.vn/huong-dan-lam-mon-ngon nhé!

-----❃-----

CÔNG TY TNHH GIA CHÁNH CẨM TUYẾT

🏬 Địa chỉ: 229/17/19 Bùi Thị Xuân, P.1, Q. Tân Bình, Tp. HCM

☎ Tel: (028) 3991.99.88 – (028) 3991.99.66

✉ Email: info@giachanhcamtuyet.com.vn

🌐 Website 📰 Fanpage 🎞 Youtube